Xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai

05/01/2010

(TN&MT) - Tổng diện tích đo vẽ bản đồ địa chính trong cả nước đã đạt trên 70%, tăng mạnh nhất ở khu vực đất lâm nghiệp. Bộ TN&MT đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực cho cấp Giấy chứng nhận với nguyên tắc đo đạc, lập bản đồ địa chính đến đâu, cần cấp Giấy chứng nhận đến đó.

(TN&MT) - Tổng diện tích đo vẽ bản đồ địa chính trong cả nước đã đạt trên 70%, tăng mạnh nhất ở khu vực đất lâm nghiệp. Bộ TN&MT đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực cho cấp Giấy chứng nhận với nguyên tắc đo đạc, lập bản đồ địa chính đến đâu, cần cấp Giấy chứng nhận đến đó.
 
Kết quả đo vẽ bản đồ địa chính: Tăng mạnh
Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai (gọi tắt là dự án Tổng thể) được triển khai ở 63 tỉnh, thành (2008-2010, định hướng 2015) nhằm hoàn thành mục tiêu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuẩn hóa đồng bộ hệ thống hồ sơ địa chính trên cả nước.
Đến nay, ngoài 9 tỉnh không phải lập dự án Tổng thể do đang triển khai thực hiện Dự án VLAP, tất cả các tỉnh, thành còn lại đã lập xong dự án gửi về Bộ TN&MT. Bộ đã hoàn thành việc thẩm định dự án của 53/55 tỉnh, thành ph. 2 tỉnh Hải Dương và Bình Dương đã nhận góp ý những chưa hoàn thiện theo yêu cầu.
Kết quả đo vẽ bản đồ địa chính 2 năm qua tăng mạnh, tăng 44,5%, ở phần lớn các tỉnh, trong đó chủ yếu là ở khu vực đất lâm nghiệp, hơn 8,7 triệu ha; đất nông nghiệp, hơn 1,27 triệu ha; đất đô thị và dân cư nông thôn khoảng 290.000 ha.
 
Kết quả cấp Giấy chứng nhận: Tăng chậm
Tuy nhiên kết quả cấp Giấy chứng nhận của cả nước 2 năm qua tăng chậm so với yêu cầu và so với tiến độ đo đạc. Kết quả cấp Giấy tại các địa phương vẫn chủ yếu được thực hiện tại các xã ngoài khu vực thực hiện Dự án Tổng thể.
Theo ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai), việc đầu tư kinh phí cho đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai trong 2 năm qua được các địa phương quan tâm đầu tư hơn nhiều so với trước. Tuy vậy, nhiều tỉnh do triển khai mạnh các dự án mới về đo đạc, lập bản đồ địa chính và đăng ký đất đai theo hình thức thuê các đơn vị đo đạc tự ứng trước kinh phí nên đã dồn hết kinh phí đầu tư của tỉnh để thanh toán, không còn kinh phí triển khai việc đăng ký cấp Giấy chứng nhận. Điều này cũng làm giảm hiệu quả sử dụng bản đồ địa chính do bản đồ địa chính đo xong không sử dụng ngay. Sau này sẽ phải đo đạc, chỉnh lý biến động mới sử dụng được.
 
Cần tập trung nguồn lực cho cấp Giấy chứng nhận
Mới đây Bộ TN&MT đã có Công văn số 1526 yêu cầu các tỉnh điều chỉnh giãn tiến độ hoàn thành Dự án Tổng thể đến sau 2020, tập trung nguồn lực cho cấp Giấy chứng nhận. Nguyên tắc là đo đạc lập bản đồ địa chính đến đâu phải hoàn thành cấp Giấy chứng nhận, xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu địa chính đến đó.
Những địa phương có các dự án về đo đạc lập bản đồ địa chính và cấp Giấy chứng nhận đang thực hiện dở, các xã đã có bản đồ địa chính nhưng chưa hoàn thành cấp Giấy chứng nhận, thì không triển khai các dự án mới về đo đạc lập bản đồ địa chính mà cần tập trung hoàn thiện việc cấp Giấy chứng nhận ở những địa bàn này.
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Phùng Văn Nghệ cho biết, Bộ TN&MT sẽ kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí gắn với việc giao chỉ tiêu, số lượng Giấy chứng nhận phải cấp trong năm nay cho từng địa phương. Các địa phương cần thay đổi nhận thức trong việc lập hồ sơ địa chính với việc đặc biệt chú trọng đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, thay thế cho việc lập hồ sơ địa chính dạng giấy hiện nay.
Trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức thanh tra tại những địa bàn và những trường hợp có biểu hiện vi phạm quy định trong việc đo vẽ, sử dụng bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính; các trường hợp vi phạm thủ tục cấp Giấy chứng nhận, gây phiền hà cho người dân.